Nhiều lần đến thư viện đọc sách và thấy rằng, con dấu đóng trên sách luôn đúng ở trang 17. Mục đích của việc làm này là gì?
Việc đóng dấu sách ở trang đầu và trang 17 xuất phát từ kỹ thuật in ấn và cách bảo quản sách của thư viện. Trước hết, hãy làm quen với một số thuật ngữ ngành in.
Bình trang (còn gọi là bình bản) là sắp xếp các trang trên một tờ giấy in lớn để sau khi in xong, ta gấp tờ in theo một thứ tự nào đó thì sẽ được một tay sách. Nhiều tay sách ghép lại thành ruột sách.
Mỗi tay sách (còn gọi là ca-yê, phiên âm tiếng Pháp cahier, nghĩa thông thường là quyển vở, nghĩa trong ngành in là tay, tập) thông thường có 4, 8, 16 hoặc 32 trang. Số trang của mỗi tay sách nhiều hay ít tùy thuộc vào khổ sách thành phẩm và độ dày của giấy. Nếu giấy dày quá thì chỉ có thể gấp một vạch (một lần) thành 4 trang, hoặc 2 vạch vuông góc thành 8 trang, hoặc 2 vạch song song thành 6 trang.
Như thế, để dễ bình trang thì tổng số trang của cuốn sách đem in phải là bội số của 4. Số trang sách luôn được đánh theo nguyên tắc: trang chẵn nằm bên trái, trang lẻ nằm bên phải.
Đối với các quyển sách ở thư viện (thường có khổ bình quân 15 x 21cm), khi in người ta tính mỗi tay sách 16 trang. Như thế, với loại sách này, trang 1 là mở đầu của tay sách thứ nhất và trang 17 là mở đầu của tay sách thứ hai, người ta đóng dấu tại hai trang này để giữ dấu sách.
Thường thì tay sách thứ nhất rất dễ bị long khỏi cả quyển, nếu có dấu đóng ở trang 17 thì vẫn có thể tra cứu lại gốc tích của cuốn sách.
Cách đóng dấu sách này không có văn bản nào quy định, chỉ là theo thói quen và trở thành quy ước bất thành văn.